Chức năng, nhiệm vụ

Những điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân quy định trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015

     Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân là bộ phận cấu thành của bộ máy tư pháp, là đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an nhân dân, được phép tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, tính toán các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ trong quá trình điều tra, xử lý vụ án. Hệ thống Cơ quan điều tra trong công an nhân dân bao gồm Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra (CQANĐT). Trong đó, mỗi Cơ quan điều tra đều có những nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau được quy định trong Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh có thể thấy rằng các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân vẫn còn những vướng mắc nhất định. Vậy nên, ngày 26/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự với những điểmmới được bổ sung, thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân phù hợp với thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt là những thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra.

     Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số ý kiến trao đổi xoay quanh những điểm mới về nhiệm vụ, thẩm quyền của CQANĐT được quy định trong Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự so với Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Qua đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả việc vận dụng các quy định mới vào trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian tới.

1. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an

     So với Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 có thể thấy rằng, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đã quy định một cách rõ ràng, đầy đủ, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CQANĐT Bộ Công an. Nếu Pháp lệnh chỉ quy định chung nhiệm vụ của Cơ quan điều tra tại điều 3 “Cơ quan điều tra tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa” thì Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đã quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ củaCQANĐT Bộ Công an tại điều 16, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định chức trách, nhiệm vụ, vai trò của CQANĐT Bộ Công an.

     Bên cạnh đó, về thẩm quyền điều tra vụ án, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quy định CQANĐT Bộ Công an “Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại”. So với Pháp lệnh thì Luật này đã bổ sung và làm rõ hơn về thẩm quyền điều tra vụ án của CQANĐT Bộ Công an.Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết các vụ án do CQANĐT Công an cấp tỉnh đều có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh thành khác nhau. Đặc biệt phải nói đến là các vụ án liên quan đến An ninh quốc gia thường là các vụ án có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng thường sử dụng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong quá trình hoạt động phạm tội. Hay như các vụ án tiền giả, các đối tượng hoạt động phạm tội thường có địa bàn hoạt động khá rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong cả nước,… Vậy thì, với quy định như trên cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể, giải thích chi tiếtđể tránh chồng lấn trong việc xác định thẩm quyền điều tra giữa CQANĐT Bộ Công và CQANĐT Công an cấp tỉnh.

     Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự cũng bổ sung, mở rộng thẩm quyền điều tra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra bằng việc quy định “vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại” (khoản 2, điều 16).

2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh

    Tương tự như quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan ANĐT Bộ Công an, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh cũng được quy định một cách rõ ràng, cụ thể, đầy đủ, chi tiết và mở rộng hơn so với Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu do thực tiễn điều tra vụ án đặt ra. Trong đó phải kể đến những điểm mới được thay đổi, bổ sung trong quy định về thẩm quyền điều tra vụ án do Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh trực tiếp điều tra, thụ lý. Theo đó, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy địnhCQANĐT Công an cấp tỉnh có thầm quyền điều tra các vụ án tội phạm tại Chương XIII,Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 309, 337, 347, 348, 349, 350 của Bộ luật Hình sự 2015 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

     So với điều 12, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự thì thẩm quyền điều tra của CQANĐT Công an cấp tỉnh đã được mở rộng hơn rất nhiều. Trong khi Pháp lệnh chỉ quy định “Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh điều tra …..khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh” thì Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định “Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh điều tra……khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân” (cho dù thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hay Tòa án nhân dân cấp huyện). Trên thực tế các vụ án liên quan đến An ninh quốc gia thường diễn ra chủ yếu tại các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các địa bàn chiến lược như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Còn các tỉnh thành khác trên cả nước trong nhiều năm trở lại đây thì có rất ít hoặc không xảy các vụ án liên quan đến An ninh quốc gia như Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh…. Ngoài ra, với quy định về thẩm quyền của CQANĐT Công an cấp tỉnh tại Pháp lệnh thì sẽ rất giới hạn và gây nhiều khó khăn trong việc xác định thẩm quyền điều tra.Vì khi một vụ án mới xảy ra thì chưa thể xác định ngay được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Qua đó chưa thể biết chính xác là do tòa án nào xét xử và có thuộc thẩm quyền điều tra của CQANĐT Công an cấp tỉnh hay không. Vì thế, những quy định mới của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra đối với CQANĐT Công an cấp tỉnh đãbổ sung và đáp ứng yêu cầu thực tiễnđặt ra trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện khai thác, phát huy hết khả năng, năng lực của các điều tra viên trong tổ chức, bộ máy CQANĐT Công an cấp tỉnh.

     Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan, kịp thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong các trường hợp có yêu cầu chính trị đặt ra thì Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự còn quy định CQANĐT Công an cấp tỉnh có thẩm quyền “tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an”.Tuy nhiên,quy định trên về thẩm quyền điều tra của CQANĐT Công an cấp tỉnh sẽ phần nào ảnh hưởng đến thời hạn, tiến độ và có thể là chất lượng điều tra vụ án vì phải mất nhiều thời gian chờ quyết định phân công của Bộ trưởng Bộ Công an. Trong khi thực tếlúc vụ án xảy ra, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo kịp thời về thẩm quyền để Cơ quan điều tra nhanh chóng, chủ động trong việc thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ ban đầu và tập trung lực lượng để đấu tranh, khai thác ngay đối với các đối tượng. Bên cạnh đó, nếu không phân định rõ thẩm quyền điều tra ngay từ đầu sẽ dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm, bỏ lọt tội phạm.Đồng thời, cần làm rõ yếu tố “liên quan đến an ninh quốc gia” và “đảm bảo khách quan”để tránh áp dụng một cách tùy tiện dựa trên đánh giá chủ quan để quyết định phân công thẩm quyền điều tra vụ án. Vì trên thực tế, chưa có một văn bản chính thức nào làm căn cứ cho việc xác định yếu tố nào là khách quan, yếu tố nào là không khách quan trong quá trình điều tra, mặt khác ranh giới để xác định vụ án nào có liên quan đến An ninh quốc gia hay không cũng là một câu hỏi cần phải đặt ra để giải quyết.

3. Một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả áp dụng Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015

     Trên cơ sở những phân tích đánh giá của tác giả về những điểm mới quy định nhiệm vụ, thẩm quyền điều tra của CQANĐT trong công an nhân dân như trên, tác giảđưa ra một số ý kiến đề xuất nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả áp dụng Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, cụ thể như sau:

     Thứ nhất,Cục An ninh điều tra Bộ Công an phối hợp với các Học viện, Trường Đại học Công an nhân dân tổ chức các lớp tập huấnLuật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015nói chung và thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra nói riêng cho lãnh đạo chủ chốt tại các đơn vị địa phương hiểu rõ những điểm mới, sửa đổi, bổ sung trong Luật; trên cơ sở đó, lãnh đạo các đơn vị địa phương tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch quán triệt, phổ biến cho toàn bộ cán bộ, chiến sỹ của cơ quan, đơn vị hiểu rõ và vận dụng đúng đắn các quy định mới, giúp thống nhất trong nhận thức và hành động.

     Thứ hai, cần sớm ban hành các nghị định của chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Công an và các ngành có liên quan đến thẩm quyền điều tra vụ án được quy định trong Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Đặc biệt, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể xác định những tội phạm khác có liên quan đến An ninh quốc gia là tội phạm nào, tính chất, đặc điểm của vụ án như thế nào thì có liên quan đến An ninh quốc gia, hay như việc xác định “tính khách quan” trong điều tra vụ án cũng cần được hướng dẫn cụ thể, để tránh việc áp dụng tùy tiện trong phân công thẩm quyền điều tra vụ án.

     Thứ ba, việc quy định “tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an” là chưa thật sự hợp lý.Do đó, cần thay đổi quy định này thành “tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc giatheo sự phân công của Giám đốcCông an cấp tỉnh hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an”. Việc thay đổi giúp giải quyết tính cấp bách củatình huống điều travà đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụđiều tra đặt ra.

     Thứ tư, tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, trao đổi kinh nghiệm giữa Cơ quan An ninh điều tra các cấp trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác nhau. Đây là điều kiện để các CQANĐT có thể trao đổi, thảo luận về những điểm mới trong Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự trong quá trình áp dụng vào thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm. Qua đó phát hiện những bất cập của luật để đề xuất, đóng góp ý kiến hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức cả về lý luận và thực tiễn áp dụng các quy định mới về nhiệm vụ, thẩm quyền điều tra của CQANĐT trong Công an nhân dân cho các điều tra viên và cá nhân trong các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số các hoạt động điều tra./.

Trần Văn Lộc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Quốc hội (2015), Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Hà Nội.

[2]. Quốc hội (2004), Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sựnăm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)Hà Nội.

[3]. Trần Văn Biên, Bình luận Khoa học Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Nhà xuất bản Hồng Đức.