Lịch sử phát triển

Lịch sử phát triển

GIAI ĐOẠN 1963 – 1976: TRƯỜNG AN NINH TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM 

– Trường An ninh Trung ương cục miền Nam Thành lập ngày 9/10/1963 theo Chỉ thị 69/CT ngày 30/9/1963 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.

– Trụ sở đầu tiên xây dựng tại Đội Thơ (xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Từ năm 1963 đến năm 1976, Trường 8 lần di dời địa điểm đóng quân, trong đó có 3 lần di dời sang Campuchia (Trảng Tầm Phô, Tà Đạt, Đầm Be).

–  Tổ chức bộ máy Nhà trường: Tổ Giáo vụ, Tổ Văn phòng – Quản trị, Tổ Võ thuật, Tổ Hậu cần, Tổ Y tế, Tổ Bảo vệ.

– Đội ngũ giảng viên là lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam: Đồng chí Cao Đăng Chiếm, Huỳnh Việt Thắng, Ngô Quang Nghĩa, Cao Đức Hoàn, Từ Đức Lưu, Bùi Thiện Ngộ và giáo viên Trường Công an Trung ương chi viện: Đồng chí Lê Minh Đốc (Sáu Học), Phan Minh Điện (Mười Quang), Nguyễn Hóa (Ba Dân)…

– Học viên là cán bộ An ninh khu, tỉnh, huyện trong toàn miền Nam.

– Nhiệm vụ của Trường: Mở các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho lực lượng An ninh, phục vụ yêu cầu chiến đấu của chiến trường miền Nam. 

– Những thành tựu nổi bật trên các mặt công tác:

 +  Công tác đào tạo: Trong giai đoạn 1963 – 1976, Nhà trường đã đào tạo 70 khóa học với hơn 5.000 học viên là cán bộ cốt cán của lực lượng An ninh miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều học viên của trường đã trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Công an các tỉnh, thành phố phía Nam.

+ Công tác nghiên cứu: Cán bộ, giáo viên Nhà trường thực hiện nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để tham mưu xây dựng các văn kiện chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam (Chỉ thị ngày 9/6/1968 về xây dựng và phát triển lực lượng An ninh, Nghị quyết 165/TV- KNB về những vấn đề cơ bản của công tác An ninh miền Nam…);  biên soạn nhiều tài liệu về công tác an ninh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, phục vụ các hội nghị quan trọng của Trung ương Cục (Hội nghị Bảo vệ chính trị toàn miền Nam lần thứ I (8/1973), Hội nghị An ninh toàn miền Nam lần thứ II (4/1974), Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Đảng bộ miền Nam và Nghị quyết về nhiệm vụ của An ninh miền Nam trong thời kỳ mới…).

+ Công tác hậu cần: Cán bộ, giáo viên Nhà trường tích cực lao động, sản xuất và tổ chức xây dựng hội trường, lớp học, bãi tập, kho tàng, nơi ăn ở trong những lần Trường di dời địa điểm để đảm bảo nhiệm vụ giảng dạy; đồng thời trực tiếp tham gia chiến đấu chống lại các cuộc hành quân càn quét của Mỹ – Ngụy, Trường có 02 cán bộ đã hy sinh trong quá trình chiến đấu bảo vệ Trường. Với những thành tích đặc biệt trong chiến đấu, đào tạo đội ngũ cán bộ An ninh, tháng 10 năm 2003, Nhà trường đã được phong tặng Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

GIAI ĐOẠN 1976 – 1984: TRƯỜNG BỔ TÚC SĨ QUAN CÔNG AN NHÂN DÂN

– Trường Bổ túc Sĩ quan Công an nhân dân được thành lập trên cơ sở Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam, theo Quyết định số 11/NV- QĐ, ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

– Sau ngày 30/4/1975, Hội nghị giữa Bộ Nội vụ và Ban An ninh Trung ương Cục thống nhất, giao Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam tiếp quản Trung tâm huấn luyện tình báo quốc gia của Chính quyền Sài Gòn, tại số 239 đường Cộng Hòa (nay là số 239 đường Nguyễn Văn Cừ, Quận l, Thành phố Hồ Chí Minh).

– Tổ chức bộ máy ban đầu của Nhà trường gồm 5 đơn vị: Phòng Tổ chức Chính trị, Hành chính, Bảo vệ; Phòng Giáo vụ – Tư liệu giáo khoa; Phòng Hậu cần; Khoa Chính trị; Khoa Nghiệp vụ. Năm 1983, để đáp ứng yêu cầu đào tạo của Nhà trường trong giai đoạn mới, một số đơn vị được tách ra và thành lập mới: Phòng Giáo vụ; Phòng Tư liệu giáo khoa; Khoa Chính trị 1; Khoa Chính trị 2; Khoa Nghiệp vụ 1; Khoa Nghiệp vụ 2; Khoa Nghiệp vụ 3; Tổ Quân sự võ thuật, Thể dục – thể thao; Tổ Nghiên cứu khoa học.

– Đội ngũ giảng viên là giáo viên Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam và được bổ sung từ các trường trong và ngoài ngành.

– Học viên là cán bộ và lãnh đạo từ Trưởng, Phó Công an huyện đến Trưởng, Phó Ty Công an các tỉnh, thành phố phía Nam, cán bộ được trao trả theo Hiệp định Pari 1973.

– Nhiệm vụ của Trường: Bổ túc chính trị, nghiệp vụ cho sĩ quan Công an nhân dân công tác tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

– Những thành tựu nổi bật: Nhà trường đã đào tạo được 5 khóa Bổ túc Sĩ quan (khoảng 1.500 học viên), 10 khóa bồi dưỡng cán bộ Trưởng, Phó ban An ninh, Trưởng, Phó phòng An ninh và Trưởng, Phó Công an quận, huyện (1.100 học viên), 1 khóa bồi dưỡng cán bộ Bảo vệ nội bộ (36 học viên), 3 khóa Chuyên tu (268 học viên), 1 khóa bồi dưỡng cán bộ Campuchia (320 học viên).

Từ năm 1977 – 1984, Trường liên tục được công nhận là Trường tiên tiến của Ngành. Bộ Đại học đã cấp bằng khen về thành tích 10 năm cải tạo và xây dựng Trường (1975 – 1985). Giai đoạn này, Nhà trường cũng được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Quân công hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

GIAI ĐOẠN 1984 – 1989: TRƯỜNG CAO ĐẲNG AN NINH NHÂN DÂN II

– Trường Cao đẳng An ninh nhân dân II được thành lập trên cơ sở Trường Bổ túc Sĩ quan Công an nhân dân, theo Quyết định số 90/HĐBT, ngày 19/6/1984 của Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định số 2827/QĐ-BNV, ngày 06/11/1984 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

–  Tổ chức bộ máy của Nhà trường gồm 17 đơn vị: Bộ môn Lý luận chính trị; Bộ môn Xã hội học – Tâm lý – Đạo đức – Giáo dục; Bộ môn Văn hóa – Ngoại ngữ; Bộ môn Pháp luật; Bộ môn Quân sự – Vũ thuật – Thể dục thể thao; Bộ môn Nghiệp vụ cơ sở, Khoa Chống gián điệp; Khoa Chống phản động; Khoa Bảo vệ an ninh kinh tế, bảo vệ văn hóa tư tưởng, Khoa Điều tra xét hỏi; Phòng Giáo vụ tổng hợp; Phòng Chính trị; Phòng Quản lý học sinh; Phòng Nghiên cứu khoa học; Phòng Tư liệu giáo khoa; Phòng Hậu cần; Phòng Quản lý nhà ăn.

– Đội ngũ giáo viên của Nhà trường được phát triển và hoàn thiện từ việc bổ sung giáo viên tốt nghiệp Trường Đại học An ninh nhân dân (C500, Hà Nội).

– Nhiệm vụ của Trường: Đào tạo cán bộ An ninh có trình độ cao đẳng cho Công an các tỉnh, thành phố phía Nam. Cũng từ đây, Nhà trường chính thức trở thành một thành viên trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng của cả nước. Đặc biệt, là trường Cao đẳng, nhưng từ năm học 1988 – 1989, Nhà trường đã chính thức đủ điều kiện đảm nhận nhiệm vụ đào tạo bậc đại học với việc khai giảng khóa I Đại học An ninh hệ chính quy đầu tiên vào ngày 28/10/1988, với 77 học viên.

– Những thành tựu nổi bật: Nhà trường đã đào tạo 04 khóa Cao đẳng An ninh nhân dân (411 học viên), 02 khóa Chuyên tu (170 học viên), 02 lớp Bồi dưỡng Lãnh đạo An ninh (121 học viên), 04 khóa bồi dưỡng học viên Campuchia (173 học viên). Những vấn đề thực tiễn của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, như: đấu tranh chống gián điệp; đấu tranh với hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia; công tác điều tra xét hỏi… đã được cập nhật, giảng dạy trên giảng đường và biên soạn thành tài liệu giảng dạy cho học viên nghiên cứu. Những phương pháp dạy học, nghiên cứu, như: xêmina, thảo luận, chiếu phim tư liệu, báo cáo chuyên đề thực tế, thực tập… đã được thực hiện.

Giai đoạn này, Nhà trường bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở mới (Công trình 75821 là Nhà trường hiện nay) tại huyện Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh với sự giúp đỡ của Chính phủ Liên Xô.

Giai đoạn từ năm 1984 đến 1989, vượt qua hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân II đã có bước trưởng thành trên mọi lĩnh vực công tác. Nhà trường tiếp tục được công nhận là Trường tiên tiến của Ngành và được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. 

GIAI ĐOẠN: 1989 – 2003: Trường Đại học AN NINH NHÂN DÂN (1989-1995), Phân hiệu Đại học AN NINH NHÂN DÂN (1995-2001), Phân hiệu Học viện AN NINH NHÂN DÂN (2001-2003)

– Trường Đại học An ninh nhân dân cơ sở phía Nam được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng An ninh nhân II, theo Nghị định 57/HĐBT, ngày 31/5/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về “Hệ thống các Trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp của lực lượng CAND” và Quyết định số 52/QĐ-BNV, ngày 17/7/1989 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc “Tổ chức lại hệ thống các Trường Đại học, Cao đẳng ANND”.

Phân hiệu Đại học An ninh nhân dân được đổi tên từ Trường Đại học An ninh nhân dân cơ sở phía Nam, theo Quyết định số 352/QĐ-BNV (X13), ngày 2/6/1995 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Phân hiệu Học viện An ninh nhân dân được đổi tên từ Phân hiệu Đại học An ninh nhân dân, theo Quyết định số 968/2001/QĐ-BCA (X13), ngày 02/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an.

– Tháng 02/1993, Trường chuyển về cơ sở mới tại Km18, Xa lộ Hà Nội, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TP.HCM.

– Tổ chức bộ máy của Nhà trường:

Giai đoạn Trường Đại học ANND cơ sở phía Nam, trên cơ sở tổ chức bộ máy của Trường Cao đẳng ANND II một số đơn vị được tách ra và thành lập mới: Bộ môn Tâm lý, Bộ môn Toán – Tin học, Bộ môn Trinh sát chống gián điệp và Bộ môn Trinh sát chống phản động.

Giai đoạn Phân hiệu Đại học ANND, tổ chức bộ máy Nhà trường gồm 15 đơn vị cơ sở, trong đó có 10 bộ môn và 5 phòng tham mưu phục vụ.

Giai đoạn Phân hiệu Học viện ANND, tổ chức bộ máy Nhà trường gồm 19 đơn vị, trong đó có 11 khoa, bộ môn và 8 phòng chức năng. 

– Nhiệm vụ của Trường: Đào tạo cán bộ An ninh có trình độ đại học ANND và đào tạo giai đoạn I cho học viên các trường Đại học CAND phía Nam, là cơ sở nghiên cứu khoa học nghiệp vụ phục vụ sự nghiệp bảo vệ ANQG.

– Những thành tựu nổi bật trên các mặt công tác:

 + Công tác đào tạo: Nhà trường đã đào tạo hàng chục khóa học, với hơn 4.200 học viên ở nhiều loại hình đào tạo khác nhau: 7 khóa Đại học chính quy (khoảng 2000 học viên), 3 khóa chuyên tu (176 học viên), 3 khóa tại chức (khoảng 600 học viên), 7 khóa cử tuyển (khoảng 300 học viên), 11 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh (khoảng 900 học viên), 6 khóa đào tạo cán bộ Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia (hơn 200 học viên), phối hợp với Học viện ANND mở 03 khóa đào tạo Cao học An ninh chuyên ngành Điều tra tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia…

+ Công tác nghiên cứu khoa học: Cán bộ, giáo viên Nhà trường thực hiện nghiên cứu 19 đề tài Khoa học cấp Bộ, 48 đề tài Khoa học cấp Cơ sở.

+ Công tác xây dựng lực lượng: Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường gồm 188 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên giảng dạy; trong đó có 7 Tiến sĩ, 41 Thạc sĩ, 29 Giảng viên chính, 24 Giảng viên, 02 Huấn luyện viên chính… từng bước đảm bảo tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên của một trường đại học độc lập. 

+ Công tác hậu cần: Xây dựng, hoàn thiện địa điểm học tập tại Trường mới, xây dựng và đưa vào sử dụng 07 phòng học chuyên dùng và thư viện.

 Từ năm 1989 – 2003, Trường đã được tặng thưởng: Cờ thi đua của Chính phủ tặng Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (2002), 01 cờ thi đua và 7 bằng khen của Bộ Nội vụ – Bộ Công an, 01 bằng khen của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Đặc biệt, trong lễ kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống (09/10/1963 – 09/10/1998), Trường vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Có thể khẳng định rằng, sau 40 năm xây dựng và phát triển từ trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến thời điểm năm 2003, Nhà trường đã hội đủ điều kiện để trở thành một trường đại học độc lập, có khả năng đào tạo chuyên môn sâu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ cho lực lượng Công an nhân dân các tỉnh, thành phố Phía Nam.