Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid -19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và các tỉnh phía Nam, Đảng, Nhà nước đã huy động tất cả các nguồn lực với quyết tâm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Trong “cuộc chiến” ấy, vai trò của lực lượng Công an, Quân đội là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, một số cá nhân, tổ chức vì nhiều mục đích khác nhau đã lợi dụng không gian mạng đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang tham gia vào công tác phòng, chống dịch.

 Tính đến ngày 06/9/2021, cả nước có 524.307 trường hợp mắc bệnh phát hiện, trong đó, riêng tại TPHCM có 251.934 ca, Bình Dương 132.523 ca, Long An 25.087 ca và Đồng Nai 28.565 ca. Có thể thấy, tình hình dịch COVID19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi sự tham gia chung sức, đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể người dân từ Trung ương đến cơ sở.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 20/8/2021, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ từ các cơ quan, đơn vị tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trong số đó có cả học viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Công an ta là Công an Nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”[i]; “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”[ii]. Người còn căn dặn, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”[iii]. Thực tiễn đã chứng minh, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội giúp dân gặt lúa, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh đã trở nên quá quen thuộc với nhân dân. Do vậy, việc huy động lực lượng vũ trang tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 là việc làm rất cần thiết, xuất phát từ truyền thống “quân dân như cá với nước”, đồng thời cũng xuất phát từ chức năng của lực lượng vũ trang. Đây cũng là hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đoàn kết phòng chống dịch bệnh và thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Bộ đội chủ động đến với dân, chứ không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội”.

Sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương giải quyết nhiều vấn đề, từng bước đẩy lùi đại dịch tại địa bàn. Tuy nhiên, với mưu đồ xuyên tạc bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, mối quan hệ đoàn kết quân dân, từ đó, làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, đòi “phi chính trị hóa” Công an, Quân đội, thời gian qua, lợi dụng việc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai một số đơn vị, lực lượng giúp dân phòng, chống dịch, các cá nhân, tổ chức chống đối đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Nhiều trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết xuyên tạc khi cho rằng “Quân đội là phải canh gác bảo vệ biên giới; đối diện với công an, quân đội là dân chứ có phải là giặc đâu mà cầm súng giương nòng lên; cho quân đội vào là để trấn áp dân ra đường”(!?)…

Trong bài viết “Kẽm gai, quân đội, công an, pháo đài… sẽ còn thêm gì nữa”, đài RFA trắng trợn xuyên tạc chính quyền “điều quân đội, công an xây 312 pháo đài”. Tổ chức khủng bố Việt Tân còn cắt gắp nhiều hình ảnh xe bọc thép tung lên mạng để xuyên tạc rằng: “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói làm loạn… Quân đội sẽ đàn áp nếu dân đói xuống đường biểu tình, đòi quan chức mở kho lương. Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để răn đe dân chứ không phải chống dịch!”.

Nhiều tài khoản mạng xã hội của số đối tượng chống đối đăng tải thông tin cho rằng sự xuất hiện của lực lượng quân đội và công an đang biến TPHCM thành một thành phố áp dụng thiết quân luật nhằm gây hoang mang trong nhân dân, tạo ra thế đối nghịch giữa nhân dân với các lực lượng tham gia phòng chống dịch. Trước luận điệu trên, nhiều người đã không giữ được tỉnh táo, tập trung thành từng đoàn người với số lượng lớn di chuyển ra khỏi TPHCM, gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng xấu còn cắt ghép, so sánh khập khiểng giữa hình ảnh bộ đội Việt Nam với diễn viên điện ảnh, vận động viên thể hình để mỉa mai, cười cợt. Đăng tải hình ảnh bộ đội giúp dân cho rằng chỉ làm màu. Nhiều kẻ ác ý còn cho rằng “đó là trách nhiệm của Công an, Quân đội, vì họ được trả lương”. Một bộ phận người dân thiếu ý thức hoặc chỉ vì để thỏa mãn nhu cầu giải trí tầm thường mà tiếp tay cho các đối tượng xấu bằng cách chia sẻ, lan tỏa các hình ảnh này, tạo phản ứng tiêu cực, cái nhìn lệch lạc trong cộng đồng mạng về lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, mặc cho những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các đối tượng có mưu đồ xấu, kế thừa và phát huy truyền thống, giữ vững bản chất lực lượng vũ trang “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang vẫn hàng ngày, hàng giờ âm thầm cống hiến, khẳng định niềm tin yêu của quần chúng nhân dân bằng kết quả những việc làm cụ thể của mình. Nhiều cán bộ, chiến sĩ quân y thức trắng đêm, không kịp ăn, đói lả vì yêu cầu nhiệm vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân quá gấp gáp. Nhiều người cha, người mẹ là quân nhân suốt mấy tháng trời chỉ nghe tiếng, nhìn thấy mặt con qua điện thoại, có được về thăm nhà cũng chỉ dám đứng nhìn con từ xa. Không ít cán bộ, chiến sĩ phải chịu tang người thân ngay tại chốt trực, bệnh viện tuyến đầu chống dịch.

Đáng quý thay, cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội chẳng nề hà bất cứ công việc gì, từ truy vết, sàng lọc, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị, tổ chức cách ly tập trung, tiêm vaccine… đến cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, chăm lo bữa ăn, bảo đảm sinh hoạt cho nhân dân và người bệnh. Thậm chí, có những công việc mà có lẽ không bao giờ họ nghĩ mình sẽ làm như… đở đẻ.

8 giờ 30 phút sáng ngày 6/8/2021, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện lưu thông qua chốt kiểm soát dịch bệnh, đại úy Nguyễn Quốc Toàn (cảnh sát khu vực Công an phường Phú Thọ) cùng đồng chí Trần Đức Việt Anh (học viên Trường Đại học An ninh nhân dân) đã kịp thời hỗ trợ sản phụ khoảng trên 30 tuổi, quê tại Sóc Trăng vượt cạn thành công trong niềm vui mừng của vợ chồng sản phụ và tất cả các đồng chí thực hiện nhiệm vụ tại chốt. Gia đình quyết định đặt tên cho cháu bé là Lý Phú Thọ (tên phường nơi em chào đời) và còn thân thương đặt cho cháu cái tên ở nhà là… Cu Chốt. Tương tự, vào khoảng 5h30p, ngày 29/8, khi đang làm nhiệm vụ tại chốt gác Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân thì có một thai phụ chuyển dạ, xin được qua chốt đi sinh gấp. Đồng chí Nguyễn Văn Tĩnh (học viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân) cùng với đồng chí bộ đội Đỗ Vũ Thắng (Trung đoàn Gia Định) đã nhanh chóng hỗ trợ chở thai phụ đi cấp cứu. Tuy nhiên, vừa đi một đoạn thì thai phụ chuyển dạ sinh con. Đồng chí Tĩnh đã kịp thời đỡ đẻ giúp thai phụ vượt cạn thành công. Bé được mẹ đặt luôn tên Tĩnh, tên chú Công an giúp cháu chào đời.

Ngày 23/8/2021, ngay khi đặt chân xuống TPHCM, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đi kiểm tra Bệnh viện dã chiến số 5 đặt tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Phát biểu tại đây, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã khẳng định: Đây như là trận chiến và “không thắng không về”.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, trên tuyến đầu phòng chống dịch, lực lượng Công an đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm COVID -19, hơn 10 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống dịch bệnh[i]. Nước mắt vẫn rơi, các anh vẫn ngã xuống trong thời bình, đó là Đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh (32 tuổi, Phó Trưởng Công an xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, Tây Ninh) hy sinh ngày 11/8 khi làm nhiệm vụ truy vết các ca F1 do bị lây nhiễm COVID-19;  Thượng úy Phan Tấn Tài (29 tuổi, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6, TP.HCM) hy sinh ngày 02/8, trong quá trình truy đuổi một thanh niên vì hành vi chống người thi hành công vụ. Đây chỉ là hai trong rất nhiều tấm gương sáng của người chiến sĩ lực lượng vũ trang hy sinh khi tham gia chống dịch. Các anh là những người trẻ dũng cảm, dám dấn thân vì nhiệm vụ. Sự hy sinh của các anh sẽ là động lực để những người trẻ, đồng đội của các anh càng quyết tâm xông pha vào cuộc chiến đẩy lùi COVID, trả lại bình yên cho xã hội.

“Cuộc chiến” chống dịch COVID tại TPHCM và các tỉnh phía Nam sẽ còn nhiều khó khăn, phức tạp nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào ngày chiến thắng đại dịch. Trong đó, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt hỗ trợ công cuộc phòng, chống dịch. Sự hỗ trợ đó dù rất lặng lẽ, âm thầm nhưng cũng đủ để đáp lại sự tin yêu của quần chúng nhân dân, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là bằng chứng đanh thép đập tan luận điệu xuyên tạc của các đối tượng về hình ảnh của lực lượng vũ trang trong “cuộc chiến” này./.

Xuân Phát (K8)


https://ncov.moh.gov.vn

Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII.

Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 485.

Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.116.

https://congan.com.vn/tin-chinh/bo-cong-an-khanh-thanh-benh-vien-da-chien-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-tai-tphcm_119147.html