Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2023)

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2023), Tiểu ban Tuyên giáo, công tác quần chúng Đảng ủy Trường Đại học An ninh nhân dân trân trọng giới thiệu nội dung tuyên truyền về lịch sử ra đời, ý nghĩa ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng, những chặng đường vẻ vang Ngành Tuyên giáo của Đảng và công tác tuyên giáo tại Đảng bộ Trường Đại học An ninh nhân dân.

 



I. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG

1. Lịch sử ra đời ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng

Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, mà sự kiện có ý nghĩa quyết định chính là khi Người đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin (được gọi tắt là Sơ thảo luận cương) – được đăng toàn văn trên báo Nhân đạo vào các ngày 16 và 17/7/1920. Từ đó, Người ra sức truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.

Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối lúc bấy giờ trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ… Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền như đội ngũ những người làm công tác lý luận, những người làm công tác tuyên truyền, cổ động chính trị, những biên tập viên và phóng viên, những văn nghệ sĩ… Các hoạt động đó đã góp phần tích cực tiến tới sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930.

Sau Hội nghị thành lập Đảng, nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng ta là tuyên truyền những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng ta đã liên tiếp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân mít tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi độc lập dân tộc, dân chủ. Đặc biệt, vào ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu Ngày Quốc tế đỏ 01/8 nhân kỷ niệm ngày Quốc tế đỏ 01/8, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ “Ban cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”, tài liệu này khi được phát hành đã tạo được dư luận rất mạnh mẽ trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Bắt đầu từ ngày 01/8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc. Ở một số nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, binh lính đã không bắn vào quần chúng khi bị đưa đi đàn áp các cuộc biểu tình, mít tinh của nhân dân. Từ đó ngày 01/8 trở thành một mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu có ý nghĩa lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động thành công vang dội trong công tác tuyên giáo của Đảng.

Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng- văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo. Nhân kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo, ngày 01/8/2002, Ngành Tuyên giáo đã được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý “Huân chương Sao vàng”.

Như vậy, ngày 01/8/1930 được coi là Ngày Thành lập hay còn gọi là Ngày Truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng. Nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo của Đảng đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.

2. Ý nghĩa ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng

Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo  một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành và ngày càng vững mạnh của công tác tuyên giáo – lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua lịch sử 93 năm xây dựng và phát triển, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.

Công tác tuyên giáo bao gồm các lĩnh vực: lý luận chính trị, tư tưởng, văn hoá văn nghệ, thông tin, báo chí, xuất bản, dư luận xã hội, khoa học, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, môi trường, nghiên cứu lịch sử Đảng… Công tác tuyên giáo tác động đến tư tưởng, trí tuệ, tình cảm của con người một cách tinh tế, nhạy bén, đòi hỏi phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng với những yêu cầu ngày càng cao mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, đề ra những khẩu hiệu hành động đúng lúc và sát hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng, của Nhà nước thành hành động tự giác của hàng triệu quần chúng, thành cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Công tác tuyên giáo cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các thế hệ cán bộ trung kiên, có đức, có tài của Đảng và Nhà nước để từ đội ngũ này mà giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tiến hành các hoạt động cách mạng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại sự tấn công của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.

 Kỷ niệm ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo là dịp để các cấp ủy đảng và chính quyền nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực công tác tuyên giáo. Qua đó, góp phần củng cố, giữ vững trận địa tuyên giáo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và nhân dân. Là dịp để các cấp uỷ đảng tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo; cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với ban tuyên giáo các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm để ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành Tuyên giáo, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của Ngành Tuyên giáo và cuộc chiến đấu vinh quang của các thế hệ đi trước. Đây cũng là dịp để cán bộ ngành tuyên giáo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên các lĩnh vực tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

II. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG

Cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng về công tác tuyên giáo từng thời kỳ, từng giai đoạn có khác nhau về tên gọi: Bộ Tuyên truyền (tháng 10/1930); Ban Tuyên truyền (1941); Bộ Tuyên truyền cổ động Việt Minh và Ban Tuyền truyền cổ động Trung ương là cơ quan tham mưu cho Bộ (1944); Ban Tuyên truyền Trung ương và Ban Giáo dục Trung ương (1950); Ban Tuyên huấn Trung ương (năm 1951); Ban Tuyên giáo Trung ương – hợp nhất Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Văn giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn văn giáo, gọi tắt là Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 1959); tách Ban Tuyên giáo Trung ương làm Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương (1968); sáp nhập Ban Văn hoá – Văn nghệ Trung ương (thành lập năm 1980) với Ban Tuyên huấn Trung ương, lấy tên là Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương (1989); và từ năm 2007 đến nay, Bộ Chính trị ra quyết định sát nhập Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cho dù tên gọi ở mỗi thời kỳ có khác nhau, song về cơ bản, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; trực tiếp và thường xuyên là cơ quan tham mưu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; và cũng là cơ quan chuyên môn – nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác đó.

– Giai đoạn 1930 – 1945: Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo thời kỳ này là thắng lợi của công tác giác ngộ, giáo dục, động viên, tập hợp lực lượng, rèn luyện và tổ chức các phong trào quần chúng, biến lý tưởng và tư tưởng cách mạng thành sức mạnh. Trong hoàn cảnh bị kẻ địch đàn áp tàn khốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng, đội ngũ những chiến sĩ làm công tác tuyên giáo đã nêu cao phẩm chất và khí tiết người cộng sản, sẵn sàng hy sinh tính mạng, không sợ tù đầy tra tấn, bám sát phong trào cách mạng để tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, đế quốc; góp phần quan trọng thúc đẩy cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh công khai đòi quyền dân sinh, dân chủ; cao trào chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô và phe Đồng minh… Thông qua báo chí, tài liệu bí mật, các lớp huấn luyện và hàng ngàn cuộc mít tinh, biểu tình… đội ngũ cán bộ tuyên giáo của Đảng đã tuyên truyền, cổ vũ các cao trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

– Giai đoạn 1945-1954: Cách mạng mới thành công, chính quyền còn non trẻ giữa vòng vây thù trong, giặc ngoài, nạn đói diễn ra gay gắt, ngân sách cạn kiệt, Đảng phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật… Trong hoàn cảnh vận nước ngàn cân treo sợi tóc, đội quân làm công tác tuyên giáo tập hợp dưới là cờ của Đảng, đứng đầu là nhà tư tưởng kiệt xuất Hồ Chí Minh, đã hăng hái tuyên truyền vận động nhân dân, bảo vệ chính quyền mới và tích cực chuẩn bị kháng chiến cứu nước. Công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu, góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh của nhân tố con người Việt Nam; tập hợp lực lượng, khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, đáp ứng những đòi hỏi gay gắt của cuộc kháng chiến. Sức mạnh tổng hợp to lớn đã được minh chứng bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam (năm 1954).

– Giai đoạn 1955-1975: Công tác tuyên giáo tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước. Ở giai đoạn này, công tác tuyên giáo đóng vai trò quan trọng yếu trong việc khơi dậy sức mạnh quần chúng nhân dân, tập hợp lực lượng, phát động và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước ở cả hai miền, với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là những phong trào, những khẩu hiệu rung động lòng người. Ở miền Bắc là “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Hai tốt”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”… Ở miền Nam là “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Một tấc không đi, một li không rời”, “Năm xung phong”, “Dũng sĩ diệt Mỹ – Ngụy”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”… Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã được chuyển hoá thành thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

– Giai đoạn 1975 đến nay: Gần 50 năm hòa bình và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, bản chất cách mạng và khoa học, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt lên giành thắng lợi. Công tác tuyên giáo của Đảng tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo trong thời kỳ này là tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; đổi mới tư duy, tổng kết thực tiễn; làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; cổ vũ, động viên phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực; khơi dậy và nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức sáng tạo xã hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước.

Trải qua 93 năm, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng không ngừng phát triển, ngày càng đông đảo và trưởng thành theo mỗi bước tiến lên của sự nghiệp cách mạng, dạn dày trong đấu tranh cách mạng, hoà mình vào phong trào quần chúng; các thế hệ những người làm công tác tuyên giáo luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Đội ngũ đó đã và đang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, từng bước hiện đại về phương tiện kỹ thuật, công nghệ, trưởng thành về bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ. Trước những diễn biến trên thực tiễn của đất nước, của tình hình thế giới và khu vực, những người làm công tác tuyên giáo của Đảng hơn bao giờ hết phải kiên định nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vững vàng trước thời cuộc, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

III. CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO TẠI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN NINH NHÂN DÂN

1. Vai trò, vị trí công tác tuyên giáo tại Đảng bộ Trường thời gian qua

Trong những năm qua, công tác tuyên giáo tại Đảng bộ Trường đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân viên, học viên Nhà trường vào mục tiêu xây dựng Trường Đại học An ninh nhân dân thực sự trong sạch vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ hiện đại; vun đắp tình cảm gắn bó của mọi thế hệ cán bộ, học viên với mái Trường anh hùng.

Trong những thời khắc quan trọng, ảnh hưởng đến sự tồn tại của Nhà trường, công tác tuyên giáo đã góp phần đắc lực động viên toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên trên dưới đồng lòng như một tin tưởng vào sự lãnh đạo của tập thể Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, an tâm tư tưởng, khắc phục khó khăn, gắn bó và ra sức cống hiến vì sự phát triển dài lâu của Nhà trường; xứng đáng với truyền thống gần 60 năm xây dựng và phát triển.

Trong điều kiện khắc nghiệt của đại dịch COVID-19, công tác thông tin, tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nên đã được Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Trường quan tâm, tập trung chỉ đạo, định hướng, triển khai bài bản, quyết liệt. Các thông tin về hoạt động phòng, chống dịch được cung cấp kịp thời, minh bạch, tạo ra sự hưởng ứng mạnh mẽ, đồng thuận của cán bộ, giảng viên, học viên trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19; góp phần ổn định tình hình địa phương nơi Trường đóng quân. Các cấp độ phòng chống dịch, các giai đoạn cụ thể như “thực hiện mục tiêu kép”, “phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới”, bảo đảm yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm bệnh được thông tin nhanh, đúng đối tượng, chính xác, tạo tiền đề quan trọng để phòng, chống dịch thành công.

Công tác tuyên giáo đã phát huy vai trò chủ động, linh hoạt, bền bỉ phản ánh toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về lịch sử truyền thống vẻ vang 60 năm của Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam – Trường Đại học An ninh nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phương pháp đa dạng. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống qua hệ thống phim tư liệu, tăng cường các hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống; duy trì thường xuyên hoạt động lan tỏa gương người tốt, việc tốt, hình ảnh đẹp về Nhà trường và lực lượng Công an nhân dân.

Công tác tuyên giáo đã phục vụ hiệu quả trong triển khai sâu rộng việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới tại Đảng bộ Trường. Nhận thức của cán bộ, giảng viên và học viên về Nghị quyết số 35 thật sự có những chuyển biến rõ rệt. Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín ở khu vực phía Nam, Nhà trường có nhiều thuận lợi trong tổ chức, huy động lực lượng, phát huy vai trò của đông đảo giảng viên, học viên trong viết bài, chia sẻ thông tin, bình luận trên mạng xã hội, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; hằng năm Đảng bộ Trường luôn có hàng trăm lượt tác giả, bài viết chất lượng tham gia giải Búa liềm vàng, cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đạt được những thành tích nổi bật.

2. Định hướng công tác tuyên giáo thời gian tới tại Đảng bộ Trường

Thời gian tới, trước những thời cơ và thách thức lớn, công tác tuyên giáo tại Đảng bộ Trường xác định phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và học viên, góp phần củng cố niềm tin, định hướng tư tưởng đúng đắn, thúc đẩy mọi người tự giác học tập, rèn luyện, hành động tích cực và tự do sáng tạo để thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, sứ mạng, văn hóa, triết lý giáo dục của Trường.

Trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao khả năng nắm bắt tình hình của cán bộ tuyên giáo để tham mưu, triển khai định hướng kịp thời dư luận; đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và học viên, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Công tác tuyên giáo cũng phải “xông pha”, bám sát thực tiễn đời sống, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, phân tích sâu sắc, chỉ rõ, đúng nguyên nhân của trường hợp chủ động “rời bục giảng”, không gắn bó với Trường nữa hoặc “chia tay màu áo An ninh” để có cơ sở đề ra những giải pháp căn cơ, giúp cán bộ, giảng viên yên tâm công tác, góp phần xây dựng Trường Đại học An ninh nhân dân thực sự trong sạch vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; hướng đến kỷ niệm 60 năm truyền thống của một mái Trường anh hùng./.

TIỂU BAN TUYÊN GIÁO, CÔNG TÁC QUẦN CHÚNG