Hoàn thiện một số quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 góp phần thực hiện Nghị quyết Số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị

HOÀN THIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN NĂM 2018 GÓP PHẦN THỰC HIỆN

NGHỊ QUYẾT SỐ 12-NQ/TW NGÀY 16/3/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN THẬT SỰ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH,  CHÍNH QUY, TINH NHUỆ, HIỆN ĐẠI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI


Trung tá Bùi Đình Tiến

Phó Bí thư Chi Bộ K2 – T04

 

1. Khái quát kết quả triển khai, thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018

Luật Công an nhân dân năm 2018 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Luật đã cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, trực tiếp là NQ số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Đề án 106 về “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Hình minh họa (TTXVN)

Sau hơn ba năm triển khai thi hành, Luật Công an nhân dân năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý để Bộ Công an thực hiện “cuộc các mạng về tổ chức, bộ máy” tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ Công an đã chủ động đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết  số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với việc triển khai Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an; Bộ đã kết thúc nhiệm vụ của 06 Tổng cục. Bộ máy Công an nhân dân đã giảm 55 đơn vị cấp cục; hơn 1.000 đơn vị cấp phòng và hơn 2.300 cấp đội… Bộ máy đã được tổ chức đổi mới theo hướng tinh gọn, đồng bộ, đảm bảo hoạt động nhịp nhàng ổn định, giảm tầng lớp trung gian . Bộ Công an đã bố trí Công an chính quy đầy đủ tại 605 thị trấn và 8.295 xã trên cả nước. Luật Công an nhân dân năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung pháp lý cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức Lực lượng CAND; xây dựng bộ máy Công an bốn cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Lực lượng Công an nhân dân đã làm tốt công tác tham mưu, dự báo cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động đưa ra giải pháp phù hợp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

2. Một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân năm 2018 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục:

Thứ nhất, Luật chưa bao quát hết các đơn vị trực thuộc Bộ. Luật Công an nhân dân năm 2018 ghi rõ bộ máy Công an nhân dân gồm bốn cấp là Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Công an xã, phường, thị trấn . Về cơ cấu tổ chức của Bộ Công an được quy định tại Điều 3, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 gồm 47 đầu mối là các đơn vị nghiệp vụ, tham mưu, chính trị, hậu cần, thanh tra thuộc cơ quan bộ. Điều 3, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP cũng quy định các học viện, trường Công an nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp an ninh, bệnh viện và các tổ chức khác thuộc Bộ Công an được thành lập theo quy định của pháp luật . Nghị định số 01/2018/NĐ-CP được ban hành trước Luật Công an nhân dân năm 2018; các căn cứ viện dẫn để ban hành Nghị định này là Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 và Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Tiếp cận từ góc độ cơ cấu, tổ chức, bộ máy, có thể khẳng định rằng các trường Công an nhân dân chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2018. Nếu hiểu theo cách suy luận từ cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân thì chỉ có Học viện Chính trị Công an nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân và các trường trung cấp Công an nhân dân được quy định trong luật . Năm học viện, trường đại học còn lại trong Công an nhân dân chưa được ghi nhận trong Luật công an nhân dân năm 2018 cả dưới góc độ cơ cấu, tổ chức và cấp hàm cao nhất mà giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở đào tạo này được hưởng. Luật Công an nhân dân năm 2018 tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lĩnh vực tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2030. 

Thứ hai, quy định hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an nhân dân chưa phù hợp với thực tiễn

Việc quy định tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trước hết phải phù hợp với Bộ luật lao động và phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, vị trí, môi trường công tác; năng lực, sở trường, nguyện vọng, tâm huyết của cán bộ chiến sĩ. Điều 30 quy định tuổi phục vụ dựa theo cấp bậc hàm. Việc kéo dài tuổi phục vụ dựa vào học hàm, học vị, bằng cấp chuyên môn. Quy định như trên chưa phù hợp với quy định của Bộ luật lao động (luật gốc về tuổi lao động vì cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân cũng là những người lao động trong môi trường công tác của lực lượng CAND) và chưa phù hợp với yếu tố đặc thù nghề nghiệp, năng lực, sở trường, tâm huyết của cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân. Chẳng hạn, cán bộ là sĩ quan an ninh công tác trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trong dân tộc, tôn giáo ngoài kiến thức chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp thì cần phải đạt độ tuổi nhất định mới có thể tiếp xúc với chắc sắc có hàng phẩm cao trong tôn giáo hoặc người có uy tín trong dân tộc thiểu số; các bác sĩ mặc dù không có học hàm học vị nhưng là những thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân có kinh nghiệm, có uy tín, sức khỏe tốt sau tuổi 55, sau 58 hoặc sau 60 tuổi vẫn rất cần cho công tác nghiệp vụ, công tác khám chữa bệnh của ngành. Để đào tạo được những cán bộ, chiến sĩ đáp ứng được một số lĩnh vực công tác đặc thù như trên phải cần có thời gian hàng chục năm đồng thời cần có sự nỗ lực, tâm huyết rất lớn của người được đào tạo. Vì vậy, Luật cần quy định cụ thể để phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của cán bộ, chiến sĩ diện đặc thù như trên trong công tác xây dựng lực lượng, nâng cao sức chiến đấu của ngành. 

Thứ ba, về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác

Điều 23, Luật CAND quy định: “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng lực lượng CAND, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn”.

Cụ thể hóa quy định trên, Bộ Công an đã ban hành văn bản quy định cụ thể về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có cấp bậc hàm từ đại tá trở xuống. Việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp tướng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước . Hiện chưa có văn bản cụ thể hóa quy định thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm tướng. Thực tế cho thấy lãnh đạo Bộ có quân hàm thiếu tướng, nhưng Cục trưởng, giám đốc các học viện Công an nhân dân có cấp hàm trung tướng. Từ góc độ đặc thù của công tác chỉ huy, lãnh đạo trong lực lượng vũ trang nhân dân thì việc quy định về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm tướng cần phải tính toán đến tiêu chí lãnh đạo bộ, lãnh đạo cấp trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an

Thứ tư, về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân còn chưa phù hợp

Đối với cấp hàm tướng, theo Luật Công an nhân dân năm 2018, 199 chức vụ, chức danh được quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng (01 Đại tướng, 06 Thượng tướng, 35 Trung tướng, 157 Thiếu tướng). Trong đó, cấp bậc hàm gắn với từng vị trí chức vụ, chức danh cụ thể như Bộ trưởng là Đại tướng; Thứ trưởng Bộ Công an là Thượng tướng và số lượng không quá 06… Việc quy định như trên đã tạo cơ chế minh bạch, rõ ràng trong việc thăng cấp bậc hàm, tránh tình trạng quá nhiều tướng như một số đại biểu quốc hội, báo chí đã phản ánh trong thời điểm lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo luật Công an nhân dân năm 2018. Tuy nhiên, thời điểm Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân năm 2018 thì Bộ máy Công an nhân dân được bố trí, sắp xếp theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP nên một số chức vụ, chức danh của các trường đại học Công an nhân dân chưa được quy định. Cụ thể Hiệu trưởng của bốn trường đại học và một học viện chưa được quy định cụ thể. Theo đó, hiện nay hiệu trưởng các trường đại học CAND và giám đốc học viện quốc tế có cấp bậc hàm cao nhất là gì thì không có trong Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với cấp hàm tá, thực tế triển khai Luật Công an nhân dân năm 2018 cho thấy cấp hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh công an cấp huyện, cấp phòng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là chưa phù hợp. Theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, quân số của công an các phường, các đội của thành phố Thủ Đức là hơn 2000 nghìn cán bộ chiến sĩ (nhiều hơn quân số của công an một số tỉnh) nhưng cấp hàm cao nhất đối với trưởng Công an thành phố Thủ Đức là thượng tá . Trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ với quân số hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ thực hiện những nhiệm vụ quan trọng tại vị trí, địa bàn chiến lược thì việc quy định cấp hàm cao nhất là thượng tá cũng không hợp lý.

Thứ năm, nhân lực, vật lực, trang thiết bị phương tiện trang bị cho công an xã, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu công tác. Theo Đề án 106, xã bám cơ sở nghĩa là thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp; nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu, tại chỗ các vấn đề về an ninh, trật tự ở cơ sở, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hướng dẫn các tổ chức quần chúng trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự . Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Theo Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy thì chức năng, nhiệm vụ của Công an xã, thị trấn gần như chức năng của Công an cấp huyện trước đây. Công an xã thực hiện đăng kí, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các lĩnh vực cư trú, căn cước công dân, định danh điện tử, làm sạch dữ liệu dân cư và Đề án 06 tại Công an cấp xã; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu, tiến hành kiểm tra xác minh sơ bộ ban đầu; phòng cháy, chữa cháy… Trong khi quân số của công an xã đa số mới chỉ được năm người. Trước áp lực các mặt công tác của công an xã, giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương muốn bố trí thêm người nhưng không còn quân số để bố trí. Trong khi nhiều xã ở các tỉnh Tây Nguyên, xã biên giới có địa bàn rộng, dân số đông, hoặc xã giáp biên việc quản lý cư trú gặp rất nhiều khó khăn; nơi làm việc của công an nhiều xã vẫn chưa đáp ứng, máy vi tính nối mạng chưa đáp ứng do nhiều nơi cơ sở hạ tầng thông tin còn rất hạn chế.

3. Một số đề xuất tiếp tục hoàn thiện Luật Công an nhân dân năm 2018

Trước những tồn tại hạn chế nêu trên đặt ra giải pháp tổng thể, cấp bách và toàn diện cho việc xây dựng Lực lượng Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Dưới góc độ pháp lý, việc sửa đổi, bổ sung luật Công an nhân dân năm 2018 và một số văn bản hướng dẫn thi hành phải bám sát quan điểm mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại. Trong đó, một số lĩnh vực tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị. Phù hợp với những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong phạm vi của bài viết này, việc sửa đổi Luật Công an nhân dân năm 2018 cần chú trọng vào một số nội dung sau đây:

Một là, cần bổ sung các trường đại học Công an nhân dân trong Luật Công an nhân dân năm 2018. Theo đó, tại mục d, khoản 1, Điều 25 cần bổ sung nội dung giám đốc, hiệu trưởng các trường đại học Công an nhân dân. Bổ sung này đồng nghĩa với việc giám đốc học viện quốc tế, hiệu trưởng bốn trường đại học công an nhân dân gồm hiệu trưởng: Đại học ANND, Đại học CSND, Đại học Hậu cần – Kĩ thuật và Đại học Phòng cháy, chữa cháy có cấp hàm cao nhất là thiếu tướng. Bổ sung này không chỉ là khắc phục những tồn tại về cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc Bộ trong Luật Công an nhân dân năm 2018 mà còn khẳng định tầm quan trọng của giáo dục đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân và đặt trọng trách, chỉ tiêu hiện đại cho các trường Công an nhân dân phải đi đầu.

Hai là, sửa đổi điều điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 01/2018/NĐ-CP theo hướng ghi rõ tên các trường Công an nhân dân hiện nay. Thời điểm ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP do chưa thống nhất chủ trương số lượng các trường Công an nhân dân nên điểm b, khoản 1, Điều 3 phải ghi “được thành lập theo quy định của pháp luật”. Thời điểm hiện tại các đầu mối trực thuộc Bộ, mô hình Công an bốn cấp đã định hình rõ thì Nghị định số 01/2018/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Ba là, cần ghi rõ vào luật cấp hàm cao nhất là đại tá đối với Trưởng công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tại điểm e, khoản 1 Điều 25 Luật Công an nhân dân năm 2018. Việc ghi rõ trong luật sẽ giúp việc thăng cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh này được rõ ràng và phân hóa với các vị trí tương đương; tránh tình trạng tùy tiện trong quá trình triển khai. Đồng thời, cần bổ sung khoản 3, Điều 23 nội dung “Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp hàm tướng”. Theo đó, Bộ Công an phải tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp này.

Bốn là, sửa đổi khoản 4, Điều 30 Luật Công an nhân dân năm 2018 theo hướng bổ sung một số đối tượng ngoài sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ hơn 60 đối với nam và hơn 55 đối với nữ theo quy định của Chính phủ. Có thể ghi rõ đối tượng như bác sĩ, thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân hoặc cán bộ, sĩ quan là người dân tộc thiểu số có nhiều năm kinh nghiệm công tác; cán bộ an ninh thực hiện công tác bảo đảm an ninh trong lĩnh vực tôn giáo được nhân dân, đồng đội tín nhiệm, suy tôn… Nếu những sĩ quan, cán bộ này còn tâm huyết phục vụ cho ngành và Luật quy định rõ để có cơ chế tiếp tục sử dụng thì sẽ có thêm nguồn lực quan trọng thực hiện các nhiệm vụ công tác công an.

Năm là, cần đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực phù hợp với yêu cầu cho bộ máy Công an cấp xã. Trước hết cần đẩy nhanh việc sắp xếp, bố trí cán bộ chiến sĩ đủ 08 người đối với xã biên giới, xã có địa bàn rộng, dân số đông để đáp ứng yêu cầu công tác. Bộ Công an giao cho các trường CAND nhanh chóng nghiên cứu thực tiễn để xây dựng tài liệu, giáo trình đào tạo cán bộ chiến sĩ công an chính quy đảm nhận các chức danh công an xã, thị trấn. Bộ đẩy nhanh việc cung cấp trang thiết bị cho công an xã như xe máy, xe ô tô bán tải; máy vi tính xách tay; xây dựng trụ sở làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tài liệu tham khảo

1. https://tuoitre.vn/bo-cong-an-da-giam-6-tong-cuc-hon-1-000-don-vi-cap-phong-20201008133141898.htm

2. Điều 17, Luật Công an nhân dân năm 2018

3.  Điều 3, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an

4. Điểm c, đ khoản 1, Điều 25 Luật Công an nhân dân năm 2018

5. Khoản 3, Điều 23 Luật Công an nhân dân năm 2018

 6. Điểm e, khoản 1, Điều 25 Luật Công an nhân dân năm 2018.

 7. Lương Tam Quang Xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Tra cứu tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/824042/xay-dung-luc-luong-cong-an-nhan-dan-cach-mang%2C-chinh-quy%2C-tinh-nhue%2C-hien-dai-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx